(GLO)- Linh chi đỏ (xích chi) và linh chi đen (hắc chi) là những sản vật quý hiếm có trong các cánh rừng của huyện Kbang-đây cũng là vùng duy nhất của tỉnh có loài nấm quý. Tặng vật của rừng này đã mang lại khoản thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Gian truân nghề hái nấm linh chi

Hai anh em người dân tộc Thổ Trương Ngọc Ninh (28 tuổi) và Trương Ngọc Tịnh (30 tuổi) được coi là những tay sành sỏi bậc nhất trong nghề hái nấm linh chi ở xã Sơn Lang. Cả một vùng rừng rộng hơn 15.000 ha của khu bảo tồn Kon Chư Răng nhưng họ thuộc như lòng bàn tay. Rừng rậm, dây leo và cây cỏ chằng chịt, muốn đi phải phát đường nhưng họ không bao giờ bị lạc.

Khả năng định hướng dựa vào những ngọn núi cao, cây cổ thụ khiến hai anh em còn hơn cả những chiếc máy định vị vệ tinh GPS hiện đại. Những cây nào đã và đang mọc linh chi ở khu vực này hai anh em đều biết rõ. Thông thạo rừng và nhiệt tình, nên khi chúng tôi ngỏ ý vào rừng hái nấm, ngần ngại nhưng Ninh và Tịnh cuối cùng cũng nhận lời.

Mùa mưa tháng 7 cũng là thời điểm gần cuối mùa linh chi. Để có thể tiếp cận với những cây nấm quý, chúng tôi phải vào tận vùng lõi của Khu bảo tồn Kon Chư Răng. Hai anh em Ninh dẫn những kẻ ưa mạo hiểm đến khu vực Trại Bò-nơi chăn thả gia súc lâu đời của người Bahnar trong rừng Kon Chư Răng, đây cũng là khu lán trại duy nhất của người dân trong vùng lõi khu bảo tồn này. Quãng đường ước chừng chỉ 15 km, nhưng để đến được đây, phải vượt cả chục ngọn núi cao, đánh vật với hàng trăm vũng lầy, mất hơn 2 giờ đi bằng xe máy.

Từ khu vực Trại Bò, bỏ lại xe máy, chúng tôi phải lội bộ giữa rừng cây cổ thụ của Khu bảo tồn Kon Chư Răng. Theo Ninh thì ở khu vực rừng này, linh chi mọc trên 3 loài cây chủ yếu là ràng ràng, de và dẻ. Đặc tính của chúng là chỉ mọc trên những cây đã chết đứng, không bao giờ mọc trên thân cây còn sống. Nếu cây chết đã ngã đổ cũng rất ít khi có linh chi, nếu có chỉ loe nghoe một hai tai nấm.

Trong 3 loại cây hay có nấm linh chi thì cây ràng ràng là linh chi ưa mọc nhất, có khi tới hàng trăm tai nấm chen nhau trên thân cây ràng ràng đã chết. Việc thu hái diễn ra trong nhiều năm, cho đến khi cây mục nát và ngã đổ. Khi thu hái, con người luôn để lại một phần chân nấm để có nguồn thu cho những mùa sau. Tịnh nói: “Chỉ cần để lại phần gốc, có mưa linh chi sẽ tiếp tục mọc lên, hoặc sau khi thu hái, chặt nhiều nhát vào thân cây-những chỗ nấm chưa mọc-năm sau ở những chỗ đó sẽ mọc những tai nấm mới”.

Hơn nửa ngày lội bộ trong vùng lõi khu bảo tồn, đôi chân chúng tôi như muốn rụng rời. Mọi người có vẻ đã thấm mệt. Chiến lợi phẩm cũng chỉ được vài ba tai linh chi đỏ. Tuy nhiên, suốt hành trình đi tìm loài nấm quý, anh em chàng trai người Thổ chỉ chúng tôi rất nhiều tai linh chi mới mọc, bé xíu như chiếc nấm rơm trên các thân cây chết, nhưng tuyệt không động vào, chỉ ngắm nghía đánh dấu. Ninh nói: “Đây là nguồn thu nhập chính của chúng tôi những năm sau, phải chờ chúng lớn mới có giá trị, nhiều người không biết hái cả nấm nhỏ rất phí”.

Nhìn đồng hồ biết đã về chiều nhưng ở giữa rừng, không gian như ngưng đọng. Chỉ có sự ẩm ướt và lũ vắt liên tục làm phiền. Một vài người trong đoàn bị vắt cắn nhưng đó là chuyện thường ngày với những người đi rừng. Ninh kể: “Ban đầu chưa quen với rừng núi Kbang, tôi thường bị những con vắt “chúa” cắn- chúng lớn gấp 3-4 lần những con bình thường, bám vào người là len lỏi vào những chỗ “hiểm” để hút máu, để lại vết cắn 1-2 năm sau mới hết ngứa. Muỗi rừng ở khu vực này cũng khác thường, chúng lớn gấp đôi, gấp ba các loại muỗi nhà, có thể chích xuyên cả một lớp quần áo và đa số chúng đều gây sốt rét.